Bạch hầu là một trong những bệnh có khả năng lây truyền nhanh và bùng phát thành dịch với tỷ lệ tử vong cao giống như với covid-19. Các biến chứng của bệnh bạch hầu thường gặp nhất đó là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu không thể chủ quan
1. Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở hầu họng, mũi, thanh quản và tuyến hạnh nhân, da, kết mạc mắt và bộ phận sinh dục. Lớp màng thường màu trắng, dai, dày và dễ chảy máu. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Đây là một bệnh có khả năng lây lan và lây nhanh từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh bạch hầu có thể gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 3%.
2. Biến chứng của bệnh bạch hầu
Theo Cục y tế dự phòng (CDC), biến chứng bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm, nếu không kịp thời xử lý và điều trị có thể dẫn đến tử vong trong vòng 6-10 ngày
2.1. Tắc nghẽn đường hô hấp
Sau khoảng từ 2-5 ngày ủ bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ. Giai đoạn này chưa có giả mạc ở mũi họng, bệnh nhân có thể nhầm với các bệnh cảm lạnh thông thường.
Khi phát bệnh, vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo ra lớp màng màu trắng bám chắc vào trong vòm họng. Nếu không điều trị kịp thời, màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp, dẫn đến biến chứng bệnh bạch hầu như ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.
2.2. Viêm cơ tim
Biến chứng viêm cơ tim xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh. Biến chứng viêm cơ tim xuất hiện sớm khi mới khởi phát bệnh thường dẫn đến tiên lượng xấu, tỉ lệ tử vong rất cao.
2.3. Tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt
Biến chứng viêm dây thần kinh chủ yếu ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và có thể hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không có bất kỳ biến chứng nào khác. Liệt màn khẩu cái thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ 5 của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp là những biểu hiện biến chứng của liệt cơ hoành.
2.4. Tổn thương thận, suy thận
Một biến chứng bệnh bạch hầu khác là bệnh nhân có thể đối diện biến chứng suy thận cấp và các tình trạng khác như thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận
2.5. Sảy thai, sinh non
Bạch hầu có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai và sinh non ở thai phụ nếu không được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc bệnh bạch hầu có khả năng lây truyền bệnh cho con.
Ngoài ra cũng có thể xuất hiện các biến chứng khác như viêm kết mạc mắt, suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp.
Bệnh bạch hầu có thể được chữa khỏi nhưng cũng có thể trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày sau khi mắc bệnh. Tỷ lệ tử vong của bệnh khoảng 5-10%.
3. Chẩn đoán bệnh bạch hầu
Bởi trong giai đoạn đầu bệnh thường có biểu hiện giống với các bệnh cảm lạnh thông thường nên dễ khiến người bệnh nhầm lẫn và chủ quan. Nên khi có bất cứ triệu chứng nào nghi mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp soi kính hiển vi. Các bác sĩ sẽ làm các tiêu bản nhuộm Gram soi dưới kính hiển vi, trực khuẩn bắt màu Gram dương, hai đầu to hoặc nhuộm Albert, trực khuẩn bắt màu xanh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ còn có thể chẩn đoán bệnh dựa trên phương pháp phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu. Nhưng phương pháp này có nhược điểm khá lâu mới có kết quả.
4. Cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thể điều trị khỏi bằng thuốc tại các cơ sở y tế. Nên điều trị tại các bệnh viện lớn có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến.
Tuy nhiên, dù có được điều trị bệnh bạch hầu vẫn có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngày cả khi điều trị, bạch hầu vẫn có thể gây tử vong cho người bệnh với tỷ lệ 3%. Đặc biệt ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ này còn ở mức cao hơn.
Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa hiệu quả thông qua việc tiêm vacxin. Tuy chưa có vacxin đơn phòng bệnh bạch hầu, nhưng trong các loại vacxin kết hợp vẫn có thành phần kháng nguyên bạch hầu và hiệu quả rất tốt.
Vacxin 5in1 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia:
- Vacxin 5in1 phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B. Vacxin này tiêm cho trẻ trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi.
- Vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vacxin bạch hầu – uốn ván tiêm cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong trường hợp bùng dịch và không được tiêm phổ cập.
Các loại vacxin dịch vụ phòng bệnh bạch hầu khác:
- Vacxin 6in1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib – Viêm gan B: tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi.
- Vacxin 5in1 Pentaxim (Pháp) phòng 5 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Hib – Bại liệt: tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi.
- Vacxin 4in1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt: dành cho đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi, đặc biệt là tiêm nhắc khi trẻ 4-6 tuổi đối với những trẻ không tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
- Vacxin 3in1 Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc lại 10 năm một lần.
=> Xem thêm: Cách điều trị bệnh bạch hầu
Bên cạnh việc tiêm vacxin phòng bệnh, nên xây dựng một lối sống lành mạnh, tạo không gian sống thoáng mát, sạch sẽ cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả.
Tuân thủ các quy định của Bộ Y tế và cơ quan y tế nơi bệnh nhân điều trị là cách nhanh nhất giúp người mắc nhanh khỏi bệnh. Ngoài ra, hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình để tránh bệnh bạch hầu xâm nhập và lây lan trước những diễn biến khó lường của bệnh hiện nay.
Bài viết này có hữu ích không?
Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn