Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp trên (cổ họng, hầu họng, mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi). Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là độc tố mà vi khuẩn bạch hầu tiết ra. Khi tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân khiến người bệnh có nguy cơ tử vong. Theo thống kê của WHO, bạch hầu là bệnh có tỉ lệ tử vong cao đến 20%. Các triệu chứng khi nhiễm bệnh sẽ như thế nào? Cách điều trị bệnh bạch hầu ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Cách điều trị bệnh bạch hầu ở cả người lớn và trẻ em
1. Các triệu chứng bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu (tên tiếng anh Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện các dải trắng ngà màu trắng, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Dấu hiệu này còn xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục…
Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ trong cơ thể người làm người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, thay đổi giọng nói, khó khăn trong việc ăn uống, thần kinh lú lẫn mất kiểm soát. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể rơi vào hôn mê và tử vong. Trường hợp biến chứng có thể dẫn đến viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên.
Khi mắc bạch hầu, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn tới chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày họng xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai và bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu khi có tác động. Đây là những dấu hiệu phổ biến, dễ nhận biết nhất của bệnh. Nếu phát hiện sớm bệnh có thể điều trị khỏi. Một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng có thể tử vong trong 6 – 10 ngày từ khi khởi phát bệnh.
2. Chẩn đoán bệnh bạch hầu
Thực hiện soi kính hiển vi là một trong những phương pháp chẩn đoán thông thường mà người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định. Thông qua tiêu bản nhuộm Gram được nhìn dưới kính hiển vi, nếu tiêu bản cho kết quả là dương tính (vi khuẩn bắt màu Gram dương, hai đầu to hoặc nhuộm Albert, trực khuẩn bắt màu xanh thì bệnh nhân chắc chắn mắc bệnh bạch hầu.
Ngoài ra, phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu cũng là một cách để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, người bệnh phải đợi một thời gian mới có kết quả. Do đó, ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh cũng cần khẩn trương đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán chính xác có mắc bệnh hay không và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
=> Xem thêm: Các biến chứng của bệnh bạch hầu
3. Cách điều trị bệnh bạch hầu như thế nào
Việc phát hiện điều trị bệnh bạch hầu sớm là điều cần thiết và tiên quyết. Đây là bệnh cần nhập viện càng sớm càng tốt để theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm.
- Điều trị thuốc kháng sinh diệt khuẩn kịp thời.
- Cách ly người bệnh trong khoảng 10-14 ngày, nghỉ ngơi tại chỗ.
- Dùng thuốc trung hòa độc tố càng sớm càng tốt.
- Phát hiện sớm các biến chứng của bệnh và xử lý kịp thời.
- Chống tái phát và bội nhiễm.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nếu không ăn uống được phải truyền chất dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.
3.2. Cách điều trị bệnh bạch hầu cụ thể
Sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu (SAD – Serum Antitoxin Diphtheria)
Bởi thuốc kháng độc tố bạch hầu làm từ huyết thanh của người rất hiếm nên hiện nay thuốc chủ yếu được làm từ huyết thanh của ngựa. SAD có tác dụng hiệu quả khi sử dụng sớm. Theo thống kế, tỷ lệ tử vong giảm dưới 1% nếu được sử dụng ngay trong ngày đầu tiên khởi phát bệnh. Tỷ lệ tử vong này tăng lên 20 lần nếu điều trị SAD vào ngày thứ 4 của bệnh. SAD chỉ trung hòa được độc tố lưu hành trong máu, thuốc không trung hòa được độc tố đã gắn vào tổ chức.
Trước khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc, cần test nội bì để tránh các trường hợp mẫn cảm với thuốc. Pha loãng 0,1 ml SAD với Nacl 0,9%, nồng độ 1/1000. Test 0,1 mk tiêm trong da, sau 20 phút đọc kết quả. Nếu có phản ứng phải điều trị bằng phương pháp giải mẫn cảm phương pháp Besredka: tiêm SAD nhiều lần với dung dịch pha loãng, tiêm với đậm độ tăng dần, cách nhau 20 phút.
Tùy vào mức độ của tình trạng nhiễm độc, vị trí và kích thước của màng giả, thời điểm dùng thuốc sớm hay muộn liều lượng SAD thay đổi từ 20.000 đến 100.000. Thuốc được dùng một lần duy nhất bằng phương pháp tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch trong 30-60 phút.
Sử dụng kháng sinh
Một số kháng sinh được chỉ định để diệt vi khuẩn bạch hầu, hạn chế sản xuất ngoại độc tố, kháng sinh có thể ngăn ngừa sự lan truyền bệnh nhưng không thay thế được SAD.
- Penicillin G; 100.000 – 150.000 UI/kg/ngày,tiêm TM chia 4 lần x 7 ngày hoặc
- Procain penicillin: 25 – 50.000 UI/kg/ngày, chia 2 lần tiêm bắp sâu hoặc
- Erythromycin 1,5g/24h, trẻ em 40 -50 mg/kg/24h (tối đa 2g/24h) – uống hoặc: Clarithromycin, Azithromycin, Rifampicin. X 14 ngày
3.3. Điều trị biến chứng bệnh bạch hầu
Không chỉ ngăn ngừa vi rút lây lan bệnh, người nhiễm bạch hầu còn phải điều trị một số biến chứng do bệnh gây ra để sức khỏe trở về tình trạng tốt nhất, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
- Mở khí quản: Khi khó thở thanh quản độ 2, TD sát khi khó thở TQ độ I
- Bạch hầu nặng: Prednisolon 0.5 -1mg/kg/24h x 2 tuần (Còn nhiều bàn cãi – chưa có bằng chứng rõ ràng về lợi ích của thuốc trong phòng chống các biến chứng)
- Viêm cơ tim: Nghỉ ngơi tuyệt đối: 55 ngày (tối thiểu 2-3 tuần)
- Thuốc trợ tim (còn bàn cãi), lợi tiểu, chống rối loạn nhịp tim
3.4. Tiêu chuẩn ra viện
- Hết triệu chứng lâm sàng
- Hết biến chứng, hết giả mạc
- Đủ thời gian điều trị và cách ly
- Cấy dịch họng 2 lần âm tính, cách nhau 7 ngày
- Cần theo dõi biến chứng cả sau khi ra viện
4. Cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng ổ dịch và điều trị triệt để là các cách hiệu quả để điều trị bệnh bạch hầu.
4.1. Không đặc hiệu: Khai báo bắt buộc
- Người tiếp xúc: Cần được theo dõi sát trong 7 ngày, cấy dịch họng.
- Người lành mang trùng (là nguồn lây quan trọng nhất): Uống Erythromycin 10 ngày. Thường vi khuẩn bạch hầu sẽ biến mất sau 2 – 4 tuần nếu không dùng kháng sinh.
- Khử trùng buồng bệnh.
4.2 Đặc hiệu
Tiêm vắc-xin giải độc tố bạch hầu (tạo kháng thể trung hòa độc tố). IgM được tạo ra sau 7 đến 14 ngày sau tiêm vắc-xin bạch hầu. IgG xuất hiện sau 5 đến 8 tuần.
- Sơ chủng: 3 mũi chia 3 lần: 2,3,4 tháng tuổi (cách nhau 30 ngày).
- Nhắc lại: 1 tuổi, 2 tuổi, 4 – 7 tuổi, 9- 12 tuổi và sau mỗi 10 năm.
- Đối tượng khác (khi có dịch).
- Nhân viên y tế làm trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm bạch hầu.
- Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ.
- Người sống trong vùng có bạch hầu.
- Người lớn tuổi, người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
Trước những diễn tiến nhanh nguy hiểm của bệnh bạch hầu, người bệnh cần tuân thủ các khuyến cáo và cách điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức và hiểu biết về bệnh bạch hầu để tránh bệnh lây lan thành dịch. Duy trì một lối sống an toàn và lành mạnh là cách phòng tránh bệnh đơn giản và hiệu quả hiện nay.
Bài viết này có hữu ích không?
Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn