Chữa trị bệnh viêm phế quản mạn tính | 3T Pharma

DANH MỤC

Chữa trị bệnh viêm phế quản mạn tính

Đăng ngày: 24/07/2012 - Cập nhật ngày 10/12/2021.
204

Viêm phế quản mạn tính phát triển khi gặp thời tiết ẩm ướt và cơ địa dị ứng. Bệnh tiến triển với những đợt nhiễm khuẩn ngày càng nhiều và kéo dài.

Bệnh viêm phế quản mạn tính chủ yếu do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và tổn thương niêm mạc phế quản. Hút thuốc lá và hít khói bụi ô nhiễm là những tác nhân gây bệnh. Một trong những cách trị bệnh hiệu quả là tập thở thường xuyên.

Bệnh viêm phế quản mạn tính phát triển khi gặp thời tiết ẩm ướt và cơ địa dị ứng. Bệnh tiến triển với những đợt nhiễm khuẩn ngày càng nhiều và kéo dài. Nếu không chữa trị tốt, phế quản và các tiểu phế quản lâu ngày sẽ bị xơ cứng, tắc nghẽn, đường dẫn không khí vào phế nang bị cản trở. Nghiêm trọng hơn, viêm phế quản mạn tính có thể dẫn đến bệnh tâm phế mãn. Tim nở to hơn do phải làm việc quá sức để đẩy máu vào phổi, dẫn đến suy hô hấp, suy tim.

Triệu chứng viêm phế quản mạn tính

Các triệu chứng chính của bệnh:

  • Ho khạc lâu ngày, thậm chí đến vài năm.
  • Đờm lúc đầu có nhiều chất nhầy trong, xuất hiện từng đợt vào buổi sáng với lượng ít. Càng ho lâu ngày, đờm càng nhiều và trở nên đặc quánh mầu vàng đục do bội nhiễm…
  • Khi xét nghiệm đờm bằng soi trực tiếp hoặc cấy, phát hiện vi khuẩn hemophilus influenza, phế cầu và liên cầu. Chụp X quang phổi thấy rốn phổi đậm cùng những dải xơ xuống cơ hoành.

Hệ lụy của viêm phế quản mạn tính

Trong bệnh viêm phế quản mạn tính thường có 3 hiện tượng: ho, khạc đờm nhày hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu của bệnh viêm phế quản mạn tính là người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ 1 tuần đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho 5 – 6 lần. Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài gây ho càng nhiều, đờm càng ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng), khối lượng đờm do ho, khạc ra trong 1 ngày có khi lên tới 10ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau ho càng ngày càng tăng lên và số lượng đờm cũng tăng dần lên, bệnh cũng càng nặng hơn: mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể.

Ở giai đoạn muộn hơn của viêm phế quản mạn tính thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ cảm thấy nặng ngực, dần dần khó thở thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể, do đó người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ…). Viêm phế quản mạn tính thường có 2 loại: loại lành tính và loại ác tính. Viêm phế quản mạn tính lành tính là loại chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thuỳ và phân thuỳ). Nếu hiện tượng viêm nhẹ thì ít khi gây suy hô hấp, loại viêm phế quản mạn tính lành tính chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 90%). Viêm phế quản mạn tính thể ác tính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%), thường xảy ra ở các tiểu phế quản và gây hội chứng tắc nghẽn thở ra (syndrome obstructif expiratoire) dẫn đến suy thở và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn ở người cao tuổi.

Khám thực thể, khi nghe phổi sẽ thấy có ran rít và ran ẩm nhỏ hạt ở 2 phế trường. Trong những đợt tiến triển cấp tính thì khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran hơn khắp 2 phế trường. Khi bệnh có xu hướng tiến triển xấu đi (hình thành bệnh khí phế thũng) thì khám thấy rì rào phế nang giảm rõ rệt. Các loại cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu sẽ thấy đa hồng cầu (một thời gian vài năm sau khi bị viêm phế quản mạn tính); lưu lượng hô hấp khi gắng sức sẽ giảm; dung tích sống, thể tích thở ra tối đa giảm; PaO2 và PaCO2 giảm (khi đo khí trong máu). Xquang có thể thấy mạng lưới phế – huyết quản tăng đậm.

Một số cách điều trị:

– Bỏ hút thuốc, uống rượu, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ô nhiễm không khí như khói, bụi, hơi độc ở nơi ở và làm việc.

– Mùa lạnh cần giữ ấm ngực, mũi, họng, ngăn chặn các đợt cảm cúm.

– Thường xuyên tập thở, hít vào và thở ra để thông khí. Phương pháp thở bụng, thở bằng cơ hoành mang lại nhiều lợi ích, làm tăng khối lượng khí đưa vào, mở rộng diện tích trao đổi khí và máu trong phổi. Luyện thở ở tư thế nằm, thở ra dài cho cả bụng và ngực lép xuống, sau đó hít vào sâu để cả ngực và bụng phình lên. Để đờm dễ thông thoát nên nằm đầu hơi dốc (15 o ), nâng cao hai chân. Năng thay đổi tư thế nghiêng trái, nghiêng phải.

– Nếu phát hiện những ô nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (xoang, họng, tai giữa) cần chữa triệt để nhằm sớm loại bỏ căn nguyên gây bệnh.

– Dùng thuốc giãn phế quản chống co thắt như théostart, salbutamol. Trong đợt bội nhiễm ho nhiều đờm đặc quánh, cần dùng kháng sinh. Hiện có thuốc azithromyxin viên 250 mg, ngày đau uống hai viên một lần, hai ngày sau uống mỗi ngày hai viên chia hai lần.

– Nếu bất thường lên cơn khó thở nhiều và liên tục, bệnh nhân cần được vào bệnh viện điều trị ngay. Ngoài thuốc, liệu pháp quan trọng là thở ôxy bằng máy hô hấp hỗ trợ.

Bài viết này có hữu ích không?

Chia sẻ

    Khách hàng đăng ký vui lòng điền chính xác thông tin để nhà thuốc liên hệ tư vấn trực tiếp!

    Có thể bạn quan tâm

    Chưa có bình luận nào.

    Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

     



    CÔNG TY TNHH Y DƯỢC 3T

    Thành viên của TẬP ĐOÀN 3T - ĐỨC THỊNH GROUP

     Địa chỉ: Số 21/71 phố Hoàng Văn Thái, Phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

    ĐT: (024) 3636 9140 - 0903 424 440

    Hotline: 087 637 8866

    Fax: (024) 3636 9306

    Email: info@3tducthinh.com

    Website: 3tducthinh.com

    Số ĐKKD: 0104250614 do Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp ngày 11/11/2009.