Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thể lực và trí tuệ của trẻ. Chế độ ăn uống như thế nào để trẻ khỏe mạnh, thông minh, không bị suy dinh dưỡng… luôn là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con mình.
Suy dinh dưỡng là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Y học cổ truyền gọi bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ là bệnh cam, liên quan đến hoạt động tiêu hoá thất thường (tích trệ đồ ăn, trùng tích) nên còn gọi là cam tích. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh nguyên khí kém; do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, ăn uống mất điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt; hoặc do các bệnh mạn tính như tiêu chảy mạn, cảm nhiễm đường hô hấp nhiều lần.
Bệnh cam tích ở trẻ chia thành 3 thời kỳ: thời kỳ khí cam, thời kỳ cam tích và thời kỳ cam khô. Ở thời kỳ đầu trọng lượng của trẻ thường giảm nhẹ hoặc không tăng cân, biếng ăn; ở thời kỳ thứ hai trẻ kém phát triển chiều cao hoặc không phát triển, người gầy, cơ bắp nhẽo, da bụng mỏng, xương sườn lộ rõ; thời kỳ thứ ba cơ thể trẻ suy yếu, sắc mặt trắng xanh hoặc hơi vàng, da, tóc khô, bụng trướng, tinh thần bứt rứt, buồn bực, chán ăn… Ở thể nặng trẻ thường kèm theo các bệnh khác như thiếu máu dạng thiếu sắt, rối loạn chức năng của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh đặc biệt là suy giảm khả năng miễn dịch, đề kháng của cơ thể, trẻ dễ mắc các bệnh khác. Để phòng bệnh cam ở trẻ, chế độ nuôi dưỡng là rất quan trọng ngay từ những ngày đầu khi trẻ ăn dặm. Xin giới thiệu một số món ăn – nước uống bổ dưỡng, chữa bệnh cam ở trẻ để các bà mẹ có thể tham khảo thực hiện.
Cháo ý dĩ:
Ý dĩ 50g, cháy cơm 30g, hạt sen 50g, đường 30g. Ý dĩ xay thành bột. Cháy cơm loại vàng ngon phơi khô sao vàng xay thành bột. Hạt sen ngâm với nước chanh một đêm hôm sau vớt ra phơi khô tán bột. Tất cả cho vào nồi thêm cho nước vừa đủ, đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho đường vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn lúc còn nóng, chia 3 lần trong ngày, cần ăn từ 10 – 20 ngày.
Cháo thịt cóc:
Thịt cóc 5g, củ mài 20g, gạo tẻ 50g, gạo nếp 20g, muối vừa đủ. Chọn cóc vàng, làm thịt chỉ lấy mình và đùi, rửa nhiều lần nước cho sạch, nướng vàng, tán thành bột. Củ mài sấy khô, tán thành bột. Gạo tẻ và gạo nếp xay thành bột. Cho bột củ mài, bột gạo tẻ vào nồi thêm nước vừa đủ, đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho bột thịt cóc vào quấy đều, khi cháo sôi lại là được. Trước khi ăn thêm muối cho vừa miệng. Ngày ăn 3 lần, cần ăn trong nhiều ngày, có thể không cần ăn liên tục mà cứ 5 ngày ăn lại nghỉ 5 ngày, sau đó tiếp tục ăn.
Cháo củ mài:
Củ mài 20g, gạo 50g, biển đậu 10g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, đường trắng 20g. Củ mài sấy khô. Gạo, biển đậu đều xay thành bột. Trứng gà luộc bóc lấy lòng đỏ, cho vào bột gạo dầm nát trộn đều. Tất cả cho vào nồi nồi thêm 200ml nước đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho đường quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 15 ngày.
Cháo ếch:
Ếch 1 con (150 – 200g), cà rốt 50g, gạo 50g, mắm muối vừa đủ. Ếch làm thịt bỏ đầu và nội tạng, bỏ bàn chân, ướp mắm muối trong 20 phút. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch mài thành bột. Cho gạo và ếch vào ninh nhừ thành cháo, trước khi ăn cho cà rốt vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 – 10 ngày.
Cháo chim cút:
Món cháo chim cút chữa suy dinh dưỡng ở trẻ
Chim cút 1 con (250 – 300g), gạo nếp 30g, gạo tẻ 50g, vỏ quýt khô 30g, mắm muối vừa đủ. Chim cút làm sạch (bỏ ruột, phổi, phần đầu từ mắt trở lên, chân), ướp mắm muối trong 20 phút. Vỏ quýt tán thành bột cho vào bụng chim cút, cùng gạo tẻ, gạo nếp nước vừa đủ ninh thành cháo. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 – 10 ngày.
Bột chữa cam:
Gạo nếp 200g, củ mài 50g, củ súng 15g, ý dĩ 10g, sơn tra 10g, trần bì 10g. Gạo nếp ngâm ngập nước một đêm vớt ra để ráo rồi rang trên lửa nhỏ cho vàng. Các thức khác đều sấy khô. Tất cả tán thành bột mịn. Cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê đầy, thêm chút đường hoà vào nước đun sôi để nguội cho trẻ uống. Cần uống liền 1 tháng.
Gan gà hấp:
Gan gà 150g, phục linh 10g, bột gia vị vừa đủ. Phục linh tán thành bột. Gan gà rửa sạch thái vừa miếng ướp gia vị. Trộn bột phục linh với gan gà cho đều hấp cách thuỷ, khi chín cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 5 – 10 ngày. Có thể thay gan gà bằng gan lợn.
Cá quả hấp:
Cá quả 1 con (khoảng 250g), tỏi 2 tép vừa, bột gia vị vừa đủ. Cá quả làm sạch bỏ ruột, khía trên mình cá 2 – 3 nhát. Tỏi giã nhỏ cùng bột ngọt, bột gia vị ướp cá, sau 20 phút đem hấp cách thuỷ, khi chín cho trẻ ăn. Khi ăn gỡ lấy thịt cá nạc và nước, ngày ăn 1 lần, cần ăn liền 5 – 10 ngày.
Lưu ý:
Nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Do hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu nên thức ăn phải nấu nhừ, cần cho ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín; không nên cho trẻ ăn quá nhiều các chất béo, ngọt, tanh, các đồ sống, lạnh tránh rối loạn tiêu hóa dẫn đến các chứng cam; không ăn các loại gia vị cay nóng.
Tạo cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ…
Tăng cường vận động, xoa bóp cho trẻ.
Theo:
Lương y Đình Thuấn
- Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Việc nuôi dưỡng chỉ có hiệu quả khi bệnh của trẻ đã được điều trị một cách triệt để.
- Cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.
- Đối với trẻ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Trẻ 3-5 tuổi cần ăn 5-6 bữa/ngày.
- Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.
- Nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào… để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ.
- Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.
Theo BS. Nguyễn Văn Tiến
Bài viết này có hữu ích không?
Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn