Tham vấn y khoa: Bác sĩ Ngô Thị Hoài Mỹ
Biên tập viên: Mai Hoàng Anh
Bạn Lê Thị Huyền có một thắc mắc về tình trạng trẻ bị sốt mọc răng: “Chào bác sĩ con trai tôi được 8 tháng tuổi, cháu đang sưng lợi chuản bị mọc răng và bị sốt nhẹ (38 độ). Trước đây cháu rất chịu khó ăn nhương hồi này cháu lười ăn qúa. Vậy xin bác sĩ cho lời khuyên”.
Trả lời:
Chào bạn !
Nếu trong thời gian mọc răng sữa, bé sốt tới 38,5 độ C trở lên, bạn có thể dùng thuốc hạ sốt. Trường hợp của bé nhà bạn có thể chưa cần uống thuốc.
Lưu ý khi trẻ bị sốt mọc răng
Vào khoảng 6-8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng sữa. Bé có thể bị sốt nhẹ, chảy nước bọt nhiều, thường đưa tay vào miệng cắn hoặc dùng lưỡi liếm phần lợi phía trước. Bé cũng có thể đi cầu phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, quấy khóc, biếng ăn. Các dấu hiệu này thường xuất hiện rồi tự hết trong vòng 3-7 ngày (cũng có những bé không xuất hiện dấu hiệu gì). Khi bé có các triệu chứng trên, cha mẹ cần lưu ý:
Hãy mang bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám.
Khi trẻ mọc răng, việc bé khó chịu là điều tất nhiên. Bạn cần tìm cách giải tỏa cơ khó chịu nay. Đưới đây là 1 số gợi ý:
Cách giải tỏa ức chế cho trẻ lười ăn khi mọc răng
- Giải tỏa ức chế: Cho bé “măm” bánh quy chuyên dành cho trẻ mọc răng hay vòng nhựa cao su mềm loại chuyên dụng để bé tự xoa dịu cơn đau cho mình.
- Đóng băng cơn đau: Một miếng táo ướp lạnh có thể giúp phong tỏa cơn đau tạm thời cho bé vì làm tê nứu, ức chế được cơn đau. Khi bé đang mọc răng, mẹ nên chuẩn bị nhiều loại trái cây ướp lạnh để sẵn vừa giúp bé bổ sung vitamin, vừa giảm đau hiệu quả.
- Massage nứu răng: Mẹ có thể dùng tay để massage nhẹ nứu răng để bé đỡ đau nhức. Lưu ý lúc này nứu bé đang bị sưng nên mẹ phải rửa tay tiệt trùng để tránh lây lan vi khuẩn gây viêm nứu bé. Các mẹ cũng có thể tìm mua các loại bàn chải chuyên dụng massage dành cho bé mọc răng. Massage nhẹ nhàng và quan sát thái độ của bé để xem bé đã dễ chịu hơn chưa. Chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn.
- Giúp bé ăn ngon: Vì nứu sưng cùng cảm giác khó chịu, bé có khi sẽ “chẳng chịu ăn uống gì cả”. Lúc này, bạn cần hạn chế tối đa những loại thức ăn, đồ vật cứng có thể làm đau nứu của bé. Cho bé bú sữa mẹ, uống sữa, ăn bột nấu chín xay thật nhuyễn để bé dễ nuốt và tiêu hóa tốt..
- Phân tán sự chú ý: Mẹ cũng có thể giúp bé quên đi cơn đau bằng cách phân tán sự chú ý của trẻ. Thu hút bé bằng những trò chơi thú vị, nói những lời ngọt ngào với trẻ, bế trẻ trên tay đu đưa, cho bé nghe những loại nhạc êm dịu… cũng là những cách hay để giúp bé quên đi sự khó chịu của mình.
Chúc con bạn mau khỏe !
Bài viết này có hữu ích không?
Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn