Tham vấn y khoa: Thạc sĩ Vũ Thị Nhiễu
Biên tập viên: Mai Hoàng Anh
Rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ là điều các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Tình trạng rôm sẩy mẩn ngứa xảy ra khiến bé khó chịu quấy khóc không chịu ăn uống. Vậy tắm gì cho bé hết rôm sảy? Các bậc cha mẹ đã biết đến các loại nước tắm trị rôm sảy cho bé hiệu quả từ thiên nhiên chưa? Cùng tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
Bé bị rôm sảy là do đâu?
Tình trạng rôm sảy ở trẻ đa số là do các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh. Điều này rất dễ khiến mồ hôi không có đường thoát vì thế nên tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Làn da trẻ mỏng nhạy cảm lại kết hợp với việc tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn khiến mồ hôi khó thoát ra ngoài hơn người lớn. Vì vậy mà gây ra tình trạng rôm sẩy mẩn ngứa.
- Tình trạng rôm sẩy thường xuất hiện vào thời tiết mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp đang mùa lạnh nhưng trẻ bị rôm sảy mẩn ngứa. Điều này là do cha mẹ sợ con lạnh ép trẻ mặc quá nhiều quần áo gây nóng.
- Khi trẻ bị ốm bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng ấp cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi
- Khí hậu ẩm nhiệt đới nóng cũng khiến trẻ dễ bị rôm sẩy.
- Trẻ vận động nhiều do chơi đùa nô nghịch ra mồ hôi nhiều cũng sẽ gây ra tình trạng rôm sẩy.
- Trẻ mặc quần áo, tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí làm tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
- Do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
Đa phần trẻ mọc rôm sẩy, các nốt rôm sẽ tự lặn sau một thời gian. Điều này không gây tác hại gì cho sức khoẻ trẻ. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Rôm sảy mọc chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Triệu chứng là xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ khiến trẻ khó chịu và quấy khóc.
Tình trạng của bé hiện tại như thế nào? Hãy để lại thông tin để Nhà thuốc tư vấn cụ thể nhé:
Biến chứng nếu rôm sẩy kéo dài
Rôm sảy ở trẻ thường tự khỏi nhưng đôi khi cha mẹ không để ý đến, tình trạng rôm sẩy kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng: Các sang thương của rôm sảy có thể bội nhiễm vi trùng tạo ra mụn mủ đau và ngứa nhiều.
- Sốc do nóng: Trong thời tiết nóng, những bệnh nhân bị rôm sảy dạng sâu có nguy cơ bị choáng do nhiệt: đau đầu, mạch nhanh, nôn, hạ huyết áp… có thể đưa đến tình trạng đột quỵ nguy hiểm.
Các phương pháp trị rôm sẩy cho bé
Các loại nước tắm trị rôm sảy cho bé
Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì? Đây là thắc mắc được các bậc cha mẹ rất quan tâm. Trong dân gian có rất nhiều loại lá có thể điều trị rôm sảy cho bé. Một số loại có thể kể đến như:
Tắm nước lá kinh giới cho bé bị nổi sảy
Lá kinh giới rất dễ tìm hay mua ngoài chợ vì vậy mẹ có thể sử dụng loại lá này để chữa trị rôm sẩy cho bé. Cách tắm lá kinh giới cho bé bị rôm sảy rất đơn giản. Chuẩn bị lá kinh giới tươi, rửa sạch rồi giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé. Nếu không có lá tươi, mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và dùng dần.
Mỗi lần tắm cho bé mẹ lấy 1 nắm lá khô, cho vào nồi đun sôi 1 lúc rồi pha vào nước tắm cho bé. Nước lá kinh giới giúp rôm sảy “bay” nhanh chóng và da bé sẽ mịn màng trở lại.
Mẹo chữa rôm sảy với lá khế
Cũng như lá kinh giới, cần chuẩn bị: 1 nắm lá khế tươi, ngâm rửa thật sạch, tuốt bỏ phần gân cứng, xay hoặc giã nát với 1 chút muối hạt.
Sau đó, mẹ đem lọc nước lá khế vào chậu nước ấm rồi tắm cho con. Thực hiện liên tục trong 3 – 4 ngày sẽ cải thiện làn da đáng kể.
Cách nấu nước tắm trị rôm sảy cho bé bằng lá dâu tằm
Dùng 1 nắm lá dâu tằm tươi, rửa thật sạch sau đó cho vào nồi nước, đun sôi. Chờ nước nguội bớt thì bỏ lá ra và tắm cho bé. Lưu ý, mẹ nên đun nhiều nước dâu tằm một chút để dùng chính nước dâu tắm cho bé, không pha thêm nước lạnh sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, có thể dùng hạt đậu xanh còn nguyên vỏ, tán mịn rồi rắc lên vùng da nhiều rôm của bé sau khi tắm với nước dâu tằm. Làm như vậy liên tục trong vài ngày là rôm không mọc nữa và những nốt rôm cũ cũng dịu đi khiến bé dễ chịu hơn.
Mẹo tắm cho bé bị rôm sảy bằng gừng tươi
Gừng tươi, rửa sạch, giã nhỏ, đun với nước sôi sau đó chờ nước nguội và tắm cho bé. Cách này mẹ nên áp dụng vào mỗi buổi sáng, tắm cho bé chừng 3 ngày liên tiếp là hết rôm.
Trị rôm sảy bằng khổ qua (Mướp đắng)
Không chỉ là món ăn vừa lành vừa bổ, giúp mẹ giảm cân, mướp đắng còn có tác dụng rất kì diệu với làn da rôm sảy của bé. Mỗi lần tắm cho bé, mẹ chỉ cần mua 2 quả mướp đắng cỡ vừa, rửa sạch, xay hoặc giã nát, lọc lấy nước để tắm cho bé. Mướp đắng sẽ khiến mẹ bất ngờ với làn da mát lạnh của con.
Dùng lá sài đất tắm cho bé bị rôm sảy
Cây sài đất có thể dễ dàng kiếm được ở bất cứ nơi nào thuộc vùng nông thôn. Các mẹ ở thành phố cũng có thể mua được cây sài đất tại các chợ. Cây sài đất tươi nấu với nước để tắm cho bé hàng ngày. Tắm cho bé bằng sài đất liên tục trong vài ngày là da bé sẽ mát dịu trở lại. Cách tắm bằng lá sài đất cho bé đơn giản như sau:
- Lấy lá cây sài đất mang đi rửa sạch.
- Sau đó vò nhàu rồi đun sôi trong nước để tắm cho trẻ.
Lưu ý: Phòng tắm phải kín gió, nhiệt độ khoảng 27-28 độ C.
Dùng chanh tươi
Trong chanh tươi chứa nhiều axit có tác dụng chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh rất hiệu quả. Vắt lấy nước cốt chanh, pha loãng vào nước rồi cho bé tắm mỗi ngày.
Rôm sẩy biến mất với bài thuốc dân gian
Bài thuốc 1
- Gừng tươi 70g (để cả vỏ) rửa sạch, giã nát, dùng bông thấm nước gừng, bôi thấm lên những chỗ da nổi rôm, ngứa ngáy. Ngày bôi 2 – 3 lần, bôi trong 5 ngày.
- 50g gừng tươi giã nhỏ, sắc với khoảng 2 lít nước. Đun sôi, để nước nguội thì tắm. Mỗi ngày tắm một lần vào buổi sáng. Tắm trong 3 ngày.
Bài thuốc 2
Lá dâu tằm 200g, rửa sạch cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước, đun sôi, chờ đến nước ấm thì tắm. Tắm xong lau khô, rồi bôi (hoặc rắc) bột đậu xanh vào những chỗ rôm mọc (đậu xanh cả vỏ, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần). Tắm liên tục 3 – 5 ngày là rôm hết mọc.
Bài thuốc 3
- Lá bọ mẩy tươi 70 – 100g, bạc hà 15g. Sắc lá bọ mẩy lấy nước đặc, trước khi bắc ra thì cho bạc hà vào, đun sôi lại là được. Dùng nước bôi, rửa nơi có rôm, ngày 2-3 lần. Dùng trong khoảng 3 – 5 ngày.
- Lá bọ mẩy tươi 30g, rửa sạch đem sắc với 500ml nước còn 200ml. Chia 2 lần uống sáng và chiều tối; liên tục 3-5 ngày.
Bài thuốc 4
- Sài đất tươi 300g nấu với nước để tắm hàng ngày.
- Dùng 100g sài đất tươi giã với ít muối, thêm 100ml nước đun sôi để nguội rồi vắt lấy nước. Uống 2-3 lần trong ngày, dùng trong 4 ngày. Bã đắp vào nơi có rôm.
Bài thuốc 5
Dùng 60g rễ cây hẹ rửa sạch, sắc uống ngày 1 thang. Lấy một cây hành tươi rửa sạch, giã nát, trộn đều với chút giấm, sao lên rồi bôi vào nơi có rôm sảy rất tốt.
Bài thuốc 6
Dùng 1 nắm rau má tươi, rửa sạch, giã nát, cho thêm một ít nước mưa (đã đun sôi để nguội). Sau đó vắt lọc lấy nước, cho thêm đường, cho trẻ uống vào buổi sáng của mỗi ngày.
Dùng thuốc Tây y để điều trị
- Sử dụng dung dịch Calamine để làm dịu ngứa.
- Anhydrous lanolin có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng phát sinh các sang thương mới.
- Các loại thuốc bôi có chứa steroids dùng trong các trường hợp nặng.
Lưu ý khi dùng lá tắm trị rôm sảy cho trẻ
- Phải đảm bảo lá tắm phải được rửa thật sạch. Ngâm qua nước muối loãng trước khi nấu nước hoặc xay/giã để tắm cho bé để loại bỏ vi khuẩn. Các loại sâu gây ngứa và lông tơ trên lá, tránh gây kích ứng làn da non nớt của bé.
- Tuyệt đối không tắm lá khi da bé bị tổn thương, trầy xước, mưng mủ, sưng tấy… Lúc này đã mất đi lớp màng bảo vệ, trong khi 1 số loại vi khuẩn bám trên lá tắm vẫn còn sống dù có đun sôi nước. Khi đó, nguy cơ nhiễm khuẩn từ lá tắm sẽ tăng lên và gây nguy hiểm cho con
- Nên tắm qua cho con bằng nước ấm trước để loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn trên da. Sau đó mới tắm nước lá và cuối cùng là “tắm tráng” lần nữa bằng nước sạch. Việc này để loại bỏ lượng bột lá có thể bám trên da.
- Không đun nước lá quá đặc, tắm lá liên tục nhiều ngày, vắt nhiều chanh/muối vào nước tắm,… vì bột lá có thể đọng nhiều trên da gây viêm da, nhiễm khuẩn,… Hơn nữa, nước tắm pha nhiều chanh/muối có thể kích ứng da bé, khiến bé bị xót, rát da.
- Sau khi tắm xong nên lau khô người cho bé. Mặc quần áo thoáng mát với chất liệu cotton. Hạn chế cho con ra nắng và cố gắng giữ nhiệt độ phòng mát mẻ.
Cách phòng ngừa tình trạng rôm sẩy
- Mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, có thể hút ẩm vào mùa hè. Tránh mặc quá nhiều, quá chật vào mùa đông.
- Tránh nắng khi thời tiết quá nóng, có thể dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ.
- Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.
- Tắm nước lạnh và không dùng xà phòng loại làm khô da.
- Tránh dùng các loại phấn, kem hay pommmade vì chẳng những không có tác dụng phòng ngừa rôm sảy mà còn có thể làm bít lỗ thông của các ống tuyến mồ hôi.
- Người mẹ cần ăn uống điều độ. Tránh những đồ ăn nóng. Nên ăn nhiều đồ mát và uống nhiều nước nếu đang cho con bú.
Qua bài viết này, các mẹ chắc đã biết rõ các loại nước tắm trị rôm sảy cho bé. Hy vọng những thông tin bổ ích trên đây sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình điều trị rôm sảy tại nhà cho bé nhà mình! Nếu còn thắc mắc, gọi ngay qua hotline hoặc để lại thông tin bên dưới đây. Các chuyên gia của 3T Pharma luôn sẵn sàng Tư Vấn Miễn Phí.
Bài viết này có hữu ích không?
Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn