Khi cơ thể có các biểu hiện mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu các chất dinh dưỡng, nhiều người thường chọn giải pháp truyền nước biển để nâng cao sức khỏe. Nhưng để biết được chính xác truyền nước biển có tác dụng gì với cơ thể? và những ai không nên truyền nước biển thì chắc hẳn không phải ai cũng biết.
Truyền nước biển có tác dụng gì? Có tốt cho cơ thể không?
1. Truyền nước biển là gì?
Truyền nước biển còn được gọi là truyền dịch, là phương pháp đưa muối hòa tan hoặc các chất dinh dưỡng, các chất điện giải vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch.
Ở người khỏe mạnh, các chỉ số như muối, đường, điện giải luôn ở mức độ cân bằng nhằm đảm bảo cho các hoạt động sống. Khi mắc các bệnh lý hay cơ thể suy nhược, mệt mỏi quá độ, ngộ độc, mất máu… các chỉ này sẽ giảm sút và yêu cầu phải được bổ sung dưới dạng truyền dung dịch từ bên ngoài.
Thành phần của nước biển chuyên dùng trong Y học chủ yếu là NaCl 0,9% – dung dịch đẳng trương có áp suất thẩm thấu gần bằng với áp suất dịch trong cơ thể. Natri là ion dương chính của dịch ngoại bào, chức năng chủ yếu trong cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu dịch của cơ thể. Clo là ion âm chính của dịch ngoại bào, tác dụng trong việc bài tiết nước tiểu. Dịch nước biển (NaCl 0,9%) không gây tan hồng cầu khi vào cơ thể.
Chỉ thực hiện truyền nước khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý truyền nước biển khi không có chỉ định của bác sĩ hoặc tự thực hiện truyền nước biển tại nhà để tránh những biến chứng không đáng có xảy ra.
2. Truyền nước biển có tác dụng gì?
Nếu thực hiện đúng cách và đúng quy trình, việc truyền nước biển rất tốt cho cơ thể. Trong quá trình truyền nước biển, các chất điện giải hoặc muối được đưa vào cơ thể giúp phục hồi sức khỏe do một số nguyên nhân như:
- Mất nước do tiêu chảy, sốt cao, sau phẫu thuật, mất máu, sau sinh… trong khi chế độ ăn thông thường không thể bù đắp kịp thời nhu cầu nước trong cơ thể.
- Phòng ngừa và điều trị tình trạng thiếu hụt Na (+) và Clo (-) do điều trị lợi tiểu quá mức, chế độ ăn kiêng thiếu muối hoặc tình trạng mệt mỏi quá mức do bài tiết mồ hôi khi thời tiết nắng nóng.
- Dự phòng mất dịch, giảm Natri trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc truyền máu, thẩm tách máu.
Quá trình truyền nước biển phải có sự theo dõi của nhân viên y tế, tuân thủ đúng các quy định về liều lượng và tốc độ truyền nước biển.
3. Tác dụng phụ của truyền nước biển
Khi thực hiện truyền nước biển, thường người bệnh sẽ nhận thấy hiệu quả mà quên mất đi rằng truyền nước biển có tốt không? Có tác dụng phụ không?
Với tác dụng giúp nâng cao sức khỏe trong những trường hợp cấp bách, mà nhiều người cho rằng truyền nước biển rất tốt và không hề có tác dụng phụ. Nhưng thực tế, vẫn có một số tác dụng phụ sau khi truyền nước biển:
- Phản ứng tại vị trí đặt kim tĩnh mạch có thể gây phù, đỏ, sưng đau, tĩnh mạch bị vỡ gây bầm tím.
- Rối loạn điện giải do truyền quá nhanh và nhiều.
- Nếu lạm dụng quá mức việc truyền nước biển có thể gây tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi dẫn đến suy hô hấp, tràn dịch màng tim gây suy tim…
- Sốc phản vệ (sốt cao, rét run, khó thở vã mồ hôi, hôn mê, tím tái toàn thân… )
- Các sản phẩm dùng trong quá trình truyền nước biển nếu không được vô trùng vô khuẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan B, HIV…
4. Một số lưu ý khi truyền nước biển
Nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất và đề phòng các biến chứng khi truyền nước biển, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Dung dịch nước biển truyền vào cơ thể cũng là một loại thuốc nên cần phải được sự chỉ định của bác sĩ và được trực tiếp nhân viên y tế thực hiện tại có sở y tế có đầy đủ trang thiết bị.
- Trước khi truyền cần loại bỏ bọt khí trong túi truyền, túi tuyền còn tem mác nguyên vẹn và chưa bị bóc rách hay từng sử dụng. Đảm bảo các vật dụng được vô khuẩn.
- Thường xuyên kiểm tra dây truyền dịch trong thời gian truyền tránh tắc dây truyền hoặc hết dịch khiến máu chảy ngược ra ngoài.
- Tuyệt đối không tự pha dịch truyền với các loại thuốc hoặc dung dịch khác mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi người bệnh, đảm bảo liều lượng, tốc độ và thời gian truyền dịch theo đúng chỉ định. Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong quá trình truyền dịch cần thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc bác sĩ.
=> Xem thêm: Bị dị ứng có nên truyền nước không?
Các trường hợp không được truyền dịch nước biển:
- Không truyền dịch ở những bệnh nhân tăng Kali máu, tăng ure máu, bệnh nhân suy thận cấp và mãn tính, bệnh nhân suy tim, suy gan…
- Các trường hợp choáng do đổ mồ hôi nhiều, mất nước sau tập luyện cường độ cao không nên chỉ định truyền nước biển ngay lập tức. Vì có thể gây phù não, ngộ độc nước, co giật thậm chí dẫn đến tử vong. Trong các trường hợp đó cần để người bệnh nghỉ ngơi, bổ sung nước bằng đường uống trước. Nếu bệnh nhân không đáp ứng mới chỉ định truyền dịch.
5. Kết luận
Nói tóm lại, truyền nước biển là một phương pháp y khoa giúp điều trị các bệnh về mất nước và điện giải. Truyền nước biển không phải là thuốc bổ, không nên lạm dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc truyền nước biển cần được thực hiện tại các cơ sở y tế và có sự giám sát của nhân viên y tế. Nếu thực hiện đúng quy định truyền nước biển mang lại hiệu quả rất tốt giúp hồi phục sức khỏe, nhưng nếu sử dụng sai quy tắc có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường.
Bài viết này có hữu ích không?
Vui lòng đăng nhận xét và đánh giá của bạn